Chứng suy giảm tĩnh mạch là căn bệnh không còn quá hiếm gặp hiện nay và ngày càng có xu hướng trẻ hoá. Tất cả bắt nguồn từ những thói quen xấu, lối sống không lành mạnh, lười vận động,..trong thời gian dài vô hình chung gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ. Vậy có giải pháp nào có thể hỗ trợ và cải thiện chứng suy giãn tĩnh mạch trước khi nó tiến triển xấu hơn.
Bài viết dưới đây sẽ cho bạn thêm lời khuyên cũng như những cách phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch ngay tại nhà. Nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu bệnh suy giãn tĩnh mạch là gì?
Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý phổ biến hiện nay và thường xuất hiện ở vị trí chân và bàn chân. Bệnh giãn tĩnh mạch xảy ra bởi sự hư hỏng của các van trong lòng tĩnh mạch, làm cho máu di chuyển theo một hướng trong tĩnh mạch của bạn không thể hoạt động như bình thường. Máu thay vì được bơm từ bàn chân lên tim thì lại chạy theo chiều ngược lại.
Điều này khiến máu bị ứ đọng lại ở chân, chèn ép và làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch khiến chúng ngày càng dãn rộng ra. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh sẽ khiến tình trạng hở các van thêm nặng thêm, gây nên tình trạng viêm tĩnh mạch kèm theo các biến chứng khác.
Thống kê ở người trưởng thành cho thấy, có khoảng 10-20 trong số 100 nam giới và 25-33 trong số 100 phụ nữ sẽ bị giãn tĩnh mạch vào một thời điểm nào đó trong đời. Phụ nữ có xu hướng bị giãn tĩnh mạch hơn nam giới. Ngoài ra, nhóm người thuộc đối tượng dưới đây cũng có nguy cơ cao mắc bệnh:
- Mang thai: Nội tiết tố bị thay đổi trong quá trình mang thai và sinh nở nhiều lần có xu hướng làm giãn thành tĩnh mạch.
- Tuổi: tuổi tác càng cao, càng tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch.
- Béo phì
- Những người thường xuyên phải đứng ngồi nhiều, ít hoạt động như nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, giáo viên, bác sĩ,..
- Người thường xuyên phải mang vác nặng cũng làm tăng nguy cơ gây áp lực lên thành tình mạch.
Dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường, các đường tĩnh mạch có màu xanh đậm hoặc tím và thường phình ra ngay dưới bề mặt da của bạn.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác như:
- Cảm giác đau nhói hoặc nóng rát ở chân
- Các cơ chân cảm thấy nặng nề hoặc chậm chạp, đặc biệt sau khi hoạt động thể chất.
- Bắp chân bị chuột rút, nhất là vào ban đêm
- Da khô, ngứa thậm chí có thể gây lở loét hoặc nhiễm trùng mô mềm gần mắt cá chân
- Bàn chân sưng, ngứa, đặc biệt là vùng mắt cá chân.
- Bị viêm, gân xanh nổi lên dọc theo da đùi, đầu gối xuống mắt cá chân.
18 lời khuyên dành cho bệnh nhân suy tĩnh mạch
Chứng suy giãn tĩnh mạch tác động trực tiếp vào đôi chân của người bệnh và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, đôi chân khỏe mạnh đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người, đảm bảo quá trình lưu thông máu thuận lợi, giảm nguy cơ suy giãn tĩnh mạch và các vấn đề về mạch máu khác.
Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn thay đổi và cải thiện thói quen sinh hoạt hàng ngày để có một cơ thể khỏe mạnh.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên tăng quá trình lưu thông máu ở chân tốt hơn, giúp đẩy máu bị tích tụ trong thành tĩnh mạch. Người bị suy giãn tĩnh mạch nên tập những bài tập cường độ nhẹ đến trung bình 30-40 phút/ngày, giúp bắp chân hoạt động mà không bị căng cơ quá mức. Một số bài tập hiệu quả như:
- Đi bộ
- Đi xe đạp
- Bơi lội
- Tập thể dục nhịp điệu, khiêu vũ
- Yoga
Ngoài ra, một số môn thể thao cường độ mạnh như bóng đá, bóng ném, bóng rổ,… thường không được khuyến khích do có thể làm giãn tĩnh mạch và giảm sự hồi lưu của máu lên tim.
Thay đổi tư thế thường xuyên
Khi công việc bắt buộc phải đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, bạn nên thay đổi tư thế thường xuyên, điều này sẽ giúp làm giảm tải áp lực lên hệ thống tĩnh mạch. Cụ thể:
- Tập chạy tại chỗ, đứng cùng lúc cả hai bàn chân lên đầu các ngón chân nếu phải đứng lâu và lặp lại nhiều lần.
- Tập nhón gót, xoay tròn bàn chân, đá chân và co duỗi khi phải ngồi.
- Tránh ngồi vắt chéo chân vì tư thế này có thể làm tổn thương dây thần kinh, gây tăng huyết áp và suy tĩnh mạch.
Uống nhiều nước
Đảm bảo nhu cầu 2 lít nước mỗi ngày bao gồm: nước uống, thức ăn và thức uống có nước, đặc biệt khi thời tiết nóng bức
Mang tất y khoa
Năm 2018, một nghiên cứu cho thấy những người sử dụng tất y tế (tất y tế giãn tĩnh mạch) đến đầu gối với áp suất từ 18 đến 21mmHg trong 1 tuần đã giảm các cơn đau và nhức mỏi của chứng giãn tĩnh mạch.
Các loại tất y tế có khả năng ôm khít và co giãn hơn các loại tất thông thường, bằng cách tạo áp lực thích hợp lên chân để ngăn các tĩnh mạch không bị giãn thêm. Nhờ vậy, tạo điều kiện cho các cơ và tĩnh mạch chủ điều hướng lưu thông máu từ chân về lại tim, từ đó cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch ở chân.
Massage chân khi ngủ
Massage đôi chân của bạn, bắt đầu từ bàn chân lên đến đùi theo hướng từ dưới lên trên sẽ giúp hồi lưu tĩnh mạch tốt hơn. Lưu ý, bạn nên tránh ấn trực tiếp lên tĩnh mạch vì điều này có thể làm tổn thương các mô mỏng manh.
Bạn có thể kết hợp thêm tinh dầu massage để cho hiệu quả tối ưu. Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2006 cho thấy rằng, tinh dầu hạt dẻ – Aesculus hippocastanum L có thể giúp giảm đau chân và triệu chứng phù nề ở những người bị suy giãn tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu đánh giá từ năm 2010 cũng chỉ ra rằng, chiết xuất thông biển, Pinus maritima và chiết xuất cây đậu chổi Butcher – Ruscus aculeatus cũng có tác dụng trong việc giảm sưng chân hoặc phù nề.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý khi sử dụng tinh dầu và chiết xuất thực vật để massage hãy đảm bảo chúng được pha loãng trước khi bôi hoặc có thể sử dụng máy khuếch tán để trị liệu bằng hương thơm.
Thay đổi chế độ ăn uống
Thức ăn giàu muối hoặc natri có thể khiến cơ thể giữ nước, do đó việc giảm ăn mặn có thể giảm thiểu khả năng giữ nước. Thực phẩm giàu kali cũng có thể giảm khả năng giữ nước trong cơ thể. Một số loại thực phẩm chứa nhiều kali như hạnh nhân và các loại hạt, quả như khoai tây, đậu lăng và đậu trắng, rau xanh hoặc một số loại cá biển,..
Ngoài ra, người bị suy giãn tĩnh mạch cũng cần bổ sung những loại thực phẩm giàu chất xơ vì nó dễ tiêu hoá và ngăn ngừa táo bón. Một số thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: các loại hạt, yến mạch, lúa mì và thực phẩm ngũ cốc.
Bổ sung flavonoid
Flavonoid là một chất chống oxy hoá xuất hiện nhiều ở các loài trái cây và rau quả. Việc bổ sung các loại thực phẩm có chứa flavonoid có thể giúp cải thiện chứng suy giãn tĩnh mạch.
Flavonoid cải thiện tuần hoàn máu, giúp máu lưu thông và giảm tình trạng máu dồn ứ lại trong tĩnh mạch. Ngoài ra, chúng cũng giúp làm giãn mạch máu và giảm huyết áp trong động mạch.
Các loại thực phẩm chứa nhiều flavonoid bao gồm:
- Rau: diếp cá, râu mèo, hành tây, rau bina, ớt chuông và bông cải xanh
- Trái cây: loại quả thuộc họ cam quýt, nho, anh đào, táo và quả việt quất
- Các loại trà: nụ hoè, trà xanh
- Tỏi
Tắm muối Epsom
Tắm muối Epsom có thể giúp cải thiện lưu thông máu, giảm sưng và viêm của chứng giãn tĩnh mạch. Thêm 2 cốc muối Epsom vào bồn nước ấm và ngâm mình trong bồn khoảng 15-20 phút. Lặp lại phương pháp điều trị này mỗi ngày cho đến khi chứng giãn tĩnh mạch của bạn biến mất.
Chường nóng lạnh
Đối với những khu vực bị viêm và sưng, bạn có thể đặt một miếng gạc ấm lên vùng bị ảnh hưởng trong 5-10 phút. Hết thời gian, tiếp tục chườm túi nước đá lên vùng đó trong 2-3 phút. Lặp lại quá trình này 3-4 lần trên cả hai chân. Điều này sẽ giúp thư giãn và cải thiện tuần hoàn ở chân của bạn.
Chọn trang phục không gò bó
Tránh mặc quần áo bó sát có thể gây chèn ép lên tĩnh mạch và gây cản trở hồi lưu tĩnh mạch từ chân về tìm.
Tránh mang giày cao gót
Mang giày cao gót trong thời gian dài cũng có thể hạn chế lưu lượng máu ở chân và có thể làm tình trạng giãn tĩnh mạch tiến triển nặng hơn. Vì vậy chỉ nên chọn gót chân ngắn 3-4cm, đế mềm, bước đi tự nhiên bằng cả bàn chân.
Kê chân cao khi ngủ
Giữ chân cao, lý tưởng nhất là cùng độ cao với tim hoặc cao hơn sẽ giúp làm tăng quá trình lưu thông máu. Điều này làm giảm áp lực trong thành tĩnh mạch ở chân và trọng lực sẽ giúp máu chảy lại tim một cách dễ dàng.
- Khi ngủ: bạn nên kê cao chân hơn tim khoảng 15cm. Bạn có thể sử dụng gối kê chân chuyên cho người bị suy giãn tĩnh mạch đang khá phổ biến ở ngoài thị trường.
- Khi làm việc: ngồi đúng tư thế, chân chạm đất, để mặt dưới đùi vừa chạm ghế, tránh đè ép lên mặt dưới đùi vì sẽ làm cản trở lưu thông máu.
Xem thêm: Top 5 gối kê chân chống giãn tĩnh mạch tốt nhất 2023
Tránh làm việc nặng
Tránh mang vác nặng, xách nặng (như đi chợ, mua sắm – đặc biệt là người cao tuổi) sẽ làm máu dồn xuống chân nhiều hơn và làm cho tĩnh mạch bị quá tải.
Không nên phơi nắng nhiều
Nắng nóng có thể làm giãn tĩnh mạch. Vì vậy, bạn nên hạn chế tắm nắng, xông hơi hoặc tắm nước nóng. Nếu vào mùa đông, nếu phải tắm nước nóng thì sau tắm xong bạn nên xối chân lại bằng nước lạnh và nằm gác chân cao. Nước lạnh sẽ làm co thắt tĩnh mạch, giúp máu lưu hồi về tim dễ dàng hơn..
Duy trì cân nặng khoẻ mạnh, tránh táo bón thừa cân
Táo bón hay thừa cân đều có thể gây áp lực lên tĩnh mạch vùng chậu và chân, dẫn đến chứng giãn tĩnh mạch
Giữ ẩm cho da
Làn da khỏe mạnh sẽ giúp bảo vệ các tĩnh mạch ở chân. Vì vậy, thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày giúp bạn chữa lành làn da khô, nứt nẻ, cải thiện tình trang da nứt nẻ gây ra do chứng suy giãn tĩnh mạch.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc rất có hại cho tĩnh mạch vì nó làm giảm lưu lượng máu và tăng nguy cơ tích tụ mảng bám trong động mạch. Khi ngừng hút thuốc, bạn ngay lập tức cảm thấy cơ thể tốt hơn và thấy rõ sự cải thiện về sức khỏe và tinh thần. Điều đó cũng giúp giảm sự xuất hiện của chứng co giãn tĩnh mạch.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bạn nên đi kiểm tra sức khoẻ khi có bất kỳ cảm giác đau hay nặng chân, sưng mắt cá chân hay xuất hiện những đường tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo. Đây là những dấu hiệu của chứng suy giãn tĩnh mạch.
Trường hợp đang mang thai, hoặc dùng·liệu pháp hormone, nếu xuất hiện những triệu chứng trên, bạn cần báo ngay cho bác sĩ biết vì những thuốc này có thế làm xấu hơn các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch.
Kết luận
Chứng giãn tĩnh mạch là hệ quả của những thói quen sinh hoạt xấu hình thành trong thời gian dài. Nó gây ra những cơn đau dai dẳng và làm mất đi tính thẩm mỹ cho đôi chân của bạn. Vì vậy, hãy học cách phòng ngừa và duy trì một lối sống lành mạnh hơn để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình.
Hi vọng những lời khuyên trên sẽ giúp bạn có thêm những phương pháp để điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch tại nhà. Nếu các biện pháp khắc phục trên không mang lại hiệu quả, hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn nhé.